GHỀNH ĐÁ ĐĨA

Thứ năm - 30/07/2020 01:44
Ghềnh Đá Đĩa
Nếu bạn thích trải nghiệm hương gió từ biển và ngắm nhìn quang cảnh yên bình nơi mảnh đất miền Trung qua từng con sóng, tận hưởng không khí mát lạnh, trong lành, khung cảnh bao la, thoáng đãng của biển cả, mây trời, bạn có thể chạy dọc theo con đường biển Tuy Hòa chừng 35km để đến thăm thú Ghềnh Đá Đĩa một điểm du lịch nổi tiếng không còn xa lạ với du khách gần xa trong và ngoài nước. Được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là thắng cảnh quốc gia. Đây là một thắng cảnh kỳ thú hiếm thấy của thiên nhiên. Chỉ nghe qua tên gọi thôi cũng đủ làm chúng ta to mò muốn đến đây để chiêm ngưỡng thật hư về sự độc đáo kì thú của nền địa chất nơi này rồi phải không nào. Ngoài sự lạ mắt về hình dáng được khoa học nghiên cứu là do dung nham núi lửa thì nơi đây còn có những câu chuyện truyền thuyết dân gian huyền bí, li kì và hấp dẫn đấy. Hãy cùng Univiet Travel khám phá ngay thôi nào.
Ghềnh Đá Đĩa địa điểm du lịch nổi tiếng ở đâu?
Ghềnh Đá Đĩa một thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Phú Yên, nằm bên bờ biển thuộc địa phận xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Để đến với thắng cảnh nổi tiếng này, từ thành phố Tuy Hòa, bạn xuôi theo quốc lộ 1A về hướng Bắc 30 km, đến thị trấn Chí Thạnh rẽ phải về hướng Đông 12 km. Phương tiện di chuyển đến Phú Yên rất thuận lợi cho du khách khắp cả nước từ máy bay, đường sắt đến đường bộ. Tùy vào địa điểm đang cư ngụ mà du khách có thể lựa chọn cho mình phương cách đơn giản và thuận tiện nhất để ghé thăm Gành đá dĩa Phú Yên.

Nơi đây có tận 4 cách gọi tên vậy tên nào là tên đúng?
Khi nhắc đến địa danh này, chúng ta được nghe rất nhiều cách gọi tên khác nhau như: Ghềnh Đá Đĩa, Ghềnh Đá Dĩa, Gành Đá Đĩa, Gành Đá Dĩa. Hay chúng ta lên mạng và gõ thì kết quả sẽ có đủ các cách như đã nêu. Như vậy, có bốn cách gọi cho cùng một địa danh.
Sự khác biệt giữa các tên gọi nằm ở cặp: “ghềnh/ gành”, “dĩa/ đĩa”.
Theo từ điển tiếng Việt của tác giả Hoàng Phê thì “ghềnh”: (danh từ) - chỗ lòng sông bị thu hẹp và nông, có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm dòng nước dồn lại và chảy xiết.
Còn ở mục từ “gành” thì đó là phương ngữ của “ghềnh”. Điều này có nghĩa, “ghềnh” là từ toàn dân, còn “gành” là từ địa phương, cụ thể là phương ngữ Nam Bộ.
Tiếp theo là cặp “đĩa/ dĩa”,
Theo từ điển Hoàng Phê giải thích “đĩa”: (danh từ) Đồ dùng thường hình tròn, miệng rộng, lòng nông để đựng thức ăn. 
Tương tự “ghềnh”, “đĩa” cũng là từ toàn dân. Còn “dĩa” là phương ngữ của từ “đĩa”, cụ thể là phương ngữ miền Trung.
Qua đó, nếu xét về ngôn ngữ toàn dân thì “Ghềnh Đá Đĩa” là cách gọi tên chính xác nhất. Nhưng tại cột mốc điểm du lịch hiện nay được xác định tên chính thức là “Gành Đá Đĩa” vì thế trong trường hợp này cả 2 tên đều chính xác và những tên gọi địa phương còn lại cũng không hoàn toàn sai. Vì việc gọi tên này phụ thuộc vào từng vùng miền, mỗi nơi sẽ có một cách gọi khác nhau theo ngôn ngữ địa phương mà họ sử dụng. 

 
Vì sao lại có tên là Ghềnh Đá Đĩa?
Ghềnh Đá Đĩa tên gọi đầy ấn tượng được đặt do bãi đá ven biển này có hình dạng như hàng ngàn chiếc dĩa được xếp chồng lên nhau, khu ghềnh Đá Đĩa rộng hơn 2km2, nơi hẹp nhất khoảng 50m và nơi dài nhất 200m.
Ngoài hình ảnh như những chồng đĩa thì khi nhìn từ xa, đá giáp liền với nhau, hòn nọ gắn với hòn kia đều đặn như một tổ ong khổng lồ, đá ở đây đều tăm tắp, được dựng thành từng cột liền khít nhau, gồm nhiều tảng đá lớn có màu đen huyền hoặc màu vàng, nửa chìm nửa nổi trước làn nước biển xanh ngần. Các cột đá có tiết diện hình lục giác, hình vuông hoặc có hình tròn như những chồng chén, đĩa trong các lò sành sứ. Khi đến gần hơn, từng phiến đá lục giác lộ ra như bậc thang đưa lối du khách bước qua nhiều con đường để ngắm nhìn thật rõ từng khoảnh khắc tuyệt diệu của tạo hóa. Đi sâu xuống dưới gành một chút, du khách sẽ bắt gặp một hang động sâu thẳm với từng đợt sóng vỗ vào đá tung bọt trắng xóa, thanh âm tựa tiếng đàn thổn thức bản tình ca của biển âm thầm theo năm tháng không bao giờ nguôi.
Du khách đến đây có cảm giác như được chiêm ngưỡng một tác phẩm “trò chơi Lego”. Những viên đá hình tròn và đa giác xếp chồng, khít vào nhau trông thật lạ. Mỗi viên đá có độ cao chừng 60 – 80 cm. Có những chỗ đá xếp cao và thẳng. Có những chỗ đá lại xếp trải dài hoặc nghiêng nghiêng, trông như những chiếc đĩa đặt chồng lên nhau một cách cẩu thả.
Vì sao đá ở Ghềnh Đá Đĩa lại có hình thù kì lạ như thế?
Theo các nhà khoa học, đây là những khối đá bazan đã hình thành cách đây 200 triệu năm, được tạo thành trong quá trình hoạt động của núi lửa ở vùng cao nguyên Vân Hòa cách đây hàng trăm triệu năm.
Khi núi lửa phun, những dòng nham thạch phun trào ra từ miệng núi lửa khi gặp nước lạnh sẽ bị đông cứng lại, kết hợp với hiện tượng di ứng lực khiến những khối nham thạch này bị nứt thành nhiều chiều một cách tự nhiên tạo nên các phiến đá đẹp lạ lùng,bí ẩn như ngày nay. Mà đặc sắc ở chỗ có hàng chục nghìn cột đá hình lục giác, hình tròn hay hình vuông, lớp này xếp nối lên lớp kia, liên tiếp và khít nhau như có bàn tay của vị thần nào đó sắp đặt vậy.

Nhìn từ xa Ghềnh Đá Đĩa như một tổ ong khổng lồ

Khi đến gần hơn, từng phiến đá lục giác lộ ra như những bậc thang

Câu chuyện truyền thuyết dân gian tại Gành Đá Đĩa.
Kho báu biến thành đá.
Xoay quanh thắng cảnh gành Đá Đĩa, người dân nơi đây còn truyền tụng một huyền thoại. Theo đó, xưa kia ở khu vực xã An Ninh Đông có một người đàn ông rất giàu có nhưng chẳng may vợ mất sớm, chưa kịp có với nhau mụn con nào. Vốn là người chung thuỷ, ông ta không tục huyền và quyết định tu tập Phật pháp. 
Bao nhiêu của cải vàng bạc châu báu, phần lớn ông đều đem phân phát cho người dân trong vùng để làm kế mưu sinh. Số còn lại ông cất vào kho cạnh bờ biển với ý định là sau này khi thành đạo, số của cải ấy sẽ đem ra xây dựng chùa chiền và dâng tặng cho vị minh quân nào yêu thương con dân. Sau thời gian dài tu tập thành đạo, ông theo Phật về cõi niết bàn mà chưa kịp dùng số của cải kia cho ý tưởng tốt đẹp ban đầu.
Biết có kho của cải cạnh bờ biển, nhiều kẻ nảy lòng tham nên kéo nhau đến đây tìm kiếm, cướp bóc. Lạ lùng thay, cửa kho chỉ là những tấm ván gỗ thông thường như bao cửa nhà dân khác, tường chỉ là những phiến đá chất cao bao quanh, nhưng không tài nào cạy ra được. Đêm này sang đêm khác, ngày này sang ngày khác, ròng rã mấy tháng trời mà tường đá, cửa gỗ vẫn không hề lay chuyển. Quá tức giận, chúng bèn dùng củi chất phủ lên kho và phóng hỏa đốt, lửa cao ngất trời nhưng cánh cửa gỗ vẫn y nguyên. Một đêm nọ, bọn tham lam kia lại tìm đến và dùng các vật xú uế bôi lên cánh cửa gỗ rồi chất củi tiếp tục đốt. Nửa chừng bỗng xảy ra cơn gió xoáy như vòi rồng cuốn những kẻ đứng chung quanh kho của cải mất hút lên không và phát ra một tiếng nổ kinh hoàng.
Lúc này, người dân trong vùng đang ngon giấc bỗng choàng tỉnh dậy, đổ xô ra hướng bờ biển, nơi phát ra tiếng nổ. Nhưng tất cả đều chìm trong đêm tối tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng sóng biển đập đều đều vào bờ đá lao xao trong đêm tối đen như mực. Sáng hôm sau, họ kéo nhau ra phía bờ biển thì phát hiện kho của cải của người nhà giàu kia không còn nữa. Ở đó, họ chỉ thấy những phiến đá to hình lục giác, bát giác xếp chồng lên nhau thành từng cột ngay ngắn, cao thấp khác nhau, kéo dài ra tận ngoài biển, thi gan cùng tuế nguyệt.

Những phiến đá to hình lục giác, bát giác xếp chồng lên nhau thành từng cột ngay ngắn, cao thấp khác nhau


Đến Ghềnh Đá Đĩa mùa nào là thích hợp nhất?
Được vỗ về quanh năm bởi làn nước trong xanh của biển, hơi sương của mây trời, Gành Đá Đĩa sừng sững như một tượng đài bất di bất dịch, đánh gục trí tò mò của bất kỳ vị du khách khó tính nào. Đến Gành Đá Đĩa trừ mùa mưa (từ tháng 8 đến tháng 11) và lúc biển động, thì theo kinh nghiệm của người dân địa phương cũng như các tín đồ du lịch, thời điểm lý tưởng nhất để bạn ghé thăm Gành Đá Đĩa ở Phú yên là từ tháng 3 đến tháng 8, từ quang cảnh lúc bình minh cho lên đến khi hoàng hôn buông xuống, cùng với ánh đèn vàng leo lét, mang lại vẻ đẹp ma mị và nên thơ trong lòng du khách. Hơn nữa khí hậu ở đây khá ôn hòa và dễ chịu lại kết hợp với non nước hữu tình đã tạo nên một bức tranh thủy mặc làm say đắm lòng người.
Vào năm 1998, địa danh này cũng đã được công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia và được tỉnh Phú Yên khai thác du lịch.

Từ lúc bình minh cho đến khi hoàng hôn buông xuống nơi đây vẫn mang một vẻ đẹp ma mị và nên thơ 

Lễ hội hằng năm tại Phú Yên.
Vào đầu tháng 2 và mùng 10 tháng 8 âm lịch hàng năm, ngư dân Tuy An nói riêng và Phú Yên nói chung sẽ tổ chức lễ cầu ngư để bắt đầu và kết thúc vụ cá, du khách đến với Gành Đá Đĩa vào thời điểm này không những chiêm ngưỡng được danh thắng kỳ quan mà còn trải nghiệm được không khí sôi động của lễ hội quan trọng bậc nhất trên dải đất biển thân thương này.
Với vẻ đẹp độc đáo và hùng vĩ, Gành Đá Đĩa ở Phú Yên đã lọt hẳn vào danh sách "5 Gành Đá Đĩa trên thế giới có hiện tượng nham thạch phun trào tạo ra hình thù đẹp nhất". Thật vinh dự khi Gành Đá Đĩa - Phú Yên được xếp cùng hàng với núi đá Giant’s Causeway ở bờ biển Đông Bắc Ireland, ghềnh đá Órganos ở đảo La Gomera của Tây Ban Nha, hang động Fingal ở đảo Staffa, Scotland hay Gành Đá Đĩa Jusangjeolli của Hàn Quốc.
Điều đó cho thấy, vẻ đẹp thiên nhiên tại nước ta chẳng thua kém gì các nước bạn trên khắp thế giới, cũng như sự ưu ái của mẹ thiên nhiên khi đã dành cho đất nước Việt Nam thật nhiều kỳ quan đẹp đến như vậy!

Còn chần chừ gì mà bạn không nhanh tay cùng Univiet travel book một chuyến du lịch Phú Yên để tận mắt chiêm ngưỡng và khám phá điểm đến hấp dẫn này ngay thôi nào.
Tham khảo Tour Phú Yên - Quy Nhơn , 
Tour Phú Yên.

Nguồn tin: Tổng Hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Comment Facebook

Những tin cũ hơn