NHỮNG MÓN ĂN MÙA ĐÔNG ĐƯỢC ƯA CHUỘNG Ở NHẬT BẢN KHÔNG THỂ BỎ QUA

Thứ năm - 14/12/2023 21:37
NHỮNG MÓN ĂN MÙA ĐÔNG ĐƯỢC ƯA CHUỘNG Ở NHẬT BẢN KHÔNG THỂ BỎ QUA

Chuyến hành trình sẽ thiếu đi sự trọn vẹn nếu du khách chưa được thưởng thức những món ăn mùa đông truyền thống, trứ danh của “Đất nước mặt trời mọc”. Bởi ẩm thực nơi đây được biết đến với “Mùa nào – thức nấy” món ăn không chỉ đa dạng và đặc sắc mà còn khiến những thực khách khó tính nhất cũng phải gật đầu khen ngon.

Ẩm thực Nhật Bản phong phú đến thế, vậy thì biết ăn món gì khi đi du lịch Nhật Bản vào mùa đông đây? Chính vì thế, Univiet Travel với bề dày kinh nghiệm du lịch Nhật Bản sẽ giúp bạn chọn lọc và đưa ra những món ăn ngon nhất định phải thử vào mùa đông khi đến với “Đất nước mặt trời mọc” nhé!

1. Oden

Oden được hiểu đơn giản là những món xiên que, đây là món ăn truyền thống của Nhật Bản đặc biệt khi thời tiết bắt đầu xuất hiện những cơn gió lạnh đầu mùa. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp được những quầy hàng bày bán Oden trên rất nhiều con đường, trước cửa hàng tiện lợi, siêu thị và khắp Nhật Bản.

Bát Oden nóng hôi hổi
 
Oden có lịch sử ra đời khá lâu đã có cách đây hơn 800 năm. Tuy nhiên, ngày xưa cách chế biến Oden rất đơn giản. Đầu bếp sẽ cắt đậu phụ ra thành từng miếng vuông rồi xiên qua que tre. Sau đó, cho một ít sốt miso phết lên đậu phụ và mang đi nướng là có thể ăn được.

Thế nhưng, ngày nay món Oden truyền thống đã được cải tiến về nguyên liệu nên có nhiều thay đổi tích cực. Oden ngày nay sử dụng nguyên liệu đa dạng, cách chế biến thay đổi đáng kể, công phu khiến cho món ăn này trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều so với nguyên bản.

Tùy thuộc vào từng vùng miền mà cách chế biến Oden cũng khác nhau. Một số loại nước dùng có màu đậm hơn, một số khác lại có màu nhạt hơn, nước dùng hơi ngọt, trong khi đó một số loại Oden sử dụng nước dùng có hương vị miso.

Người Nhật ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm phù hợp cho mùa đông để giúp người ăn có cảm giác ấm người lên tức thì khi ăn miếng đầu tiên như đậu phụ, trứng luộc, chả cá, konbu, mực viên, củ cải, thịt bò, thịt lợn, nấm. Những nguyên liệu này sẽ được nấu trong nước dùng làm từ nước tương.

Quầy bán Oden thường có một cái khay to bên trong có rất nhiều ngăn nhỏ. Mỗi ngăn như vậy sẽ chứa đựng một nguyên liệu khác nhau. Do đó, ưu điểm khi mua món Oden thì khách hàng có thể yêu cầu bất cứ nguyên liệu nào mà mình thích, không bắt buộc mua hết tất cả. Thế nhưng, Oden rất đa dạng nguyên liệu rất khó lòng để lựa chọn xem ăn gì, có lẽ phải thử mỗi món một ít mới đã cơn thèm bạn nhé!

2. Ramen

Ramen là một món ăn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ẩm thực đường phố tưởng chừng giản đơn ấy, giờ đây đã trở thành một món ăn đặc sắc được du khách nước ngoài săn đón mỗi khi đến với “Đất nước mặt trời mọc”. Mì ramen được bày bán quanh năm ở các nhà hàng hay các quầy hàng (ramen – ya) chạy dọc hai bên đường. Nếu như bạn đến Nhật Bản vào mùa đông, bạn nhất định phải thử qua món ăn hấp dẫn này nhé, thưởng thức một tô mì ramen nóng hôi hổi sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời xoa dịu tuyết trời mùa đông lạnh giá.

Mì Ramen thơm ngon, nức mũi

Ramen thường được phân loại theo nước dùng. Dưới đây là những loại mì ramen phổ biến nhất Nhật Bản.

Mì Miso ramen

Miso là một loại sốt đậu nành lên men. Miso ramen thường được hầm sốt miso với thịt gà và cá để tạo ra vị ngọt nhẹ, hương thơm hấp dẫn. Sợi mì ăn chung với nước dùng này là loại xoắn và dày, được ăn kèm với trứng luộc lòng đào, thịt xá xíu và chả cá.

Mì Tonkotsu ramen

Nước dùng chủ yếu được làm từ xương và mỡ heo hầm trong nhiều tiếng đồng hồ, nên nước dùng thường đặc và có màu trắng nhạt. Loại nước dùng này mang vị ngọt diu từ xương heo và béo ngậy từ mỡ.

Sợi mì ăn với loại ramen này thường là loại nhỏ để dễ dàng cảm nhận được hết vị ngon của mì và nước dùng. Món ăn kèm thường là thịt heo, gừng muối chua, trứng luộc lòng đào, hành lá, rong biển và một số loại rau củ khác.

Mì Shoyu ramen

Thành phần chính của loại nước dùng này là xì dầu, nấu chung với thịt và rau củ để tạo nên nước dùng có vị ngọt từ thịt và hương thơm của đậu nành. Tuy nhiên, loại nước dùng này khá đậm có thể sẽ khó ăn đối với những du khách quen ăn nhạt.

Sợi mì ăn với loại ramen này thường là sợi nhỏ để nước dùng dễ thấm vào mì. Loại mì này thường ăn kèm với măng khô, chả cá, rong biển, thịt xá xíu và trứng luộc lòng đào.

Mì Shio Ramen

Trong các loại mì ramen thì Shio ramen được xem là mì có vị mặn nhất, vì nước dùng được nấu từ nhiều loại muối kết hợp với thịt gà hoặc xương heo.

Loại mì này được ăn kèm với thịt xá xíu, chả cá, trứng luộc lòng đào, măng khô, giá đỗ và một số loại rau khác. Nếu bạn không ăn được vị mặn của loại ramen này, bạn hãy thử để thêm một ít ớt để có một trải nghiệm tuyệt vời hơn nhé.

Mì Tsukemen ramen

Mì Tsukemen ramen còn được gọi là mì lạnh vì mì sau khi luộc chín sẽ được mang đi làm lạnh, sợi mì cũng to hơn so với những loại mì khác. Đặc trưng của loại mì này là mì và nước dùng được để 2 tô riêng, khi ăn bạn sẽ gắp mì chấm vào nước dùng và thưởng thức.

3. Nabemono

Để mùa đông càng thêm trọn vẹn, thưởng thức một nồi lẩu thơm ngon, bốc khói nghi ngút là một trải nghiệm không nên bỏ lỡ. Nabemono – món lẩu mang hơi thở mùa đông này thường được nấu trên các bếp di động. Nồi đất chứa nhiều rau tươi, mì, thịt (thịt lợn hoặc thịt bò), hải sản, đậu phụ và trứng.

Tất cả các nguyên liệu này được nấu trong cùng một cái nồi với nước dùng là miso hoặc nước tương. Nabe có thể được ăn với nước dùng, nước chấm hoặc du khách có thể chấm với trứng gà đã được đánh bông. Thực khách ăn chay cũng có thể thưởng thức món ăn này nếu không cho những lát cá, thịt vào nồi.

Một số loại nabe nổi tiếng mà bạn có thể tìm thấy và thử qua như là Shabu shabu, Crab (kani) nabe, Chanko nabe, Sukiyaki, Ishikari nabe, Chanko nabe và Motsu nabe. Trong số những món này, Ishikari nabe được làm từ cá hồi và rau, là món lẩu rất phổ biến ở vùng Hokkaido. Nếu bạn có đến Hokkaido vào mùa đông, bạn nhất định phải nếm thử món lẩu thú vị này bạn nhé.

Sukiyaki
 
Shabu – shabu
 
4. Nikuman

Nikuman hay còn được gọi là Chūka Man là một loại bánh bao kiểu Nhật. Những chiếc bánh này được làm từ bột mì có nhân thịt lợn xay cùng với hành lá, bắp cải, nấm hương khô và gừng thái nhỏ.

Bánh bao Nhật Bản thường được hấp trong các nồi hấp bằng tre rất ngon khi thưởng thức lúc còn nóng. Kết cấu của vỏ bánh mềm mịn và xốp cùng với nhân thịt heo đươc tẩm ướp gia vị rất vừa ăn. Khi cắn một miếng bên trong tràn ngập hỗn hợp thịt mềm, vị thơm bùi rất hấp dẫn.

Nikuman nóng hổi, mềm xốp 
 
Khi mùa đông đến, các cửa hàng tiện lợi trên khắp Nhật Bản đã bắt đầu bày bán nikuman. Những chiếc bánh nóng hổi, mềm xốp mới đem ra khỏi rổ hấp chắc chắn sẽ sưởi ấm trái tim và tâm hồn bạn.

5. Shiratama Zenzai

Ở Nhật Bản để mùa đông tăng thêm phần ấm cúng, người Nhật thường thưởng thức một bát chè đậu đỏ nóng hổi được phủ trên bề mặt bởi mochi hoặc shiratama dango (bánh bao nếp). Mặc dù món tráng miệng truyền thống này có sẵn quanh năm nhưng zenzai lại được ưa chuộng nhất trong những tháng mùa đông lạnh giá.

Shiratama Zenzai – linh hồn của những món tráng miệng truyền thống ở Nhật Bản

Zenzai về cơ bản là món chè được làm từ Anko (một loại đậu đỏ) là nguyên liệu có trong các loại bánh kẹo Nhật Bản. Người Nhật có một sự say mê dành cho đậu đỏ, do vậy hầu hết các nhân bánh truyền thống đều có đậu đỏ như mochi, dorayaki,...

Nhưng nếu bạn muốn thưởng thức trọn vẹn hết hương vị của đậu đỏ, không gì hơn là thưởng thức một chén shiratama zenzai thơm ngon, ngọt ngào hay chính là chè đậu đỏ dùng kèm với bánh mochi.

Đậu đỏ ngọt bùi, bánh mochi dẻo dẻo, dai dai đúng là một sự kết hợp hoàn hảo. Món ăn này có thể dùng nóng hoặc kèm thêm đá lạnh, hay một viên kem vị matcha đều ngon.

Hãy thử ngay shiratama zenzai để hiểu vì sao người Nhật lại say mê đậu đỏ đến vậy nhé!

6. OZONI


Ozoni – món súp truyền thống với nhân là bánh gạo mochi, món ăn thú vị này thường ăn vào dịp đầu năm mới ở “Đất nước mặt trời mọc”. Vào thời điểm này, người Nhật thường cầu nguyện cho một mùa màng bội thu, sức khỏe và bình an cho gia đình. Ozoni được ăn vào bữa sáng trong 3 ngày đầu tiên của năm mới.

Ozoni - món ăn may mắn 

Nhiều giả thuyết và có ý kiến khác nhau về sự khởi nguồn của Ozoni, nhưng nhiều người cho rằng lịch sử của món ăn này bắt nguồn từ thời Heian (794 – 1185).

Ozoni có thành phần chính là mochi cùng các loại rau củ như cà rốt, củ cải, hành được nấu trong nước dùng vị miso hoặc shoyu. Tùy thuộc vào từng vùng miền khác nhau mà có cách chế biến và chọn nguyên liệu để nấu món súp ozoni khác nhau.

Sự khác biệt về hình dáng:

Ở vùng Kansai, hình dáng của enman hay mochi lại có hình tròn mang ý nghĩa hòa bình và hòa hợp được dùng trong ozoni, trái ngược với enman, kado mochi có hình vuông/hình chữ nhật thường được tìm thấy ở vùng Kanto và Tohoku.


Sự khác biệt về gia vị:

Ở vùng Kansai, miso (một loại gia vị làm từ đậu nành) thường được sử dụng để làm nước dùng cho súp ozoni và đặc biệt là miso trắng là lựa chọn ưa thích nhất ở khu vực Kyoto. Đối với phía Tây Nhật Bản (vùng Chugoku, vùng Shikoku và vùng Kyushu), ozoni là một món súp trong được làm từ rong biển kombu và katsuobushi (vảy cá ngừ khô). Tại một khu vực khác của bán đảo Noto (tỉnh Ishikawa) và vùng Izumo, người ta ăn azukijiru hay súp tương đậu đỏ.

Sự khác biệt về thành phần:

Từ các nguyên liệu địa phương có sẵn mà có thể được dùng để chế biến súp ozoni, bắt đầu từ các loại rau, củ như daikon (củ cải Nhật), cà rốt, satoimo (khoai tây), mitsuba (thảo mộc giống mùi tây),..Ở Niigata họ sử dụng cá hồi và ikura (trứng cá hồi), ở quận Chiba họ sử dụng hamaguri (nghêu) và các nguyên liệu khác. Ngoài ra, các vùng núi người dân địa phương thường sử dụng nấm kinoko và sansei đều được thêm vào súp ozoni.

Một phiên bản khác của ozoni là ozoni kurumi (quả óc chó) được sử dụng phổ biến dọc theo các khu vực ven biển của tỉnh Iwate. Ở tỉnh Kagawa, ankoro mochi (mochi phủ nhân đậu đỏ) được cho vào món súp làm từ miso trắng và rau củ. Nhưng Ozoni của tỉnh Fukui lại là món ăn đơn giản nhất, mochi được đặt bên trong súp làm từ miso và được phết nhẹ lên trên bởi kezuribushu (cá ngừ khô).

Mỗi vùng của Nhật Bản đều có những phiên bản ozoni riêng biệt cho nên dù bạn đến thăm nơi nào ở Nhật Bản, bạn cũng sẽ có cơ hội tuyệt vời để nếm thử một trong những loại ozoni đặc sắc.

7. Yaki – imo

Yaki – imo hay khoai lang nướng kiểu Nhật là món ăn vặt đường phố mùa đông cổ điển của Nhật Bản gợi lên những ký ức hoài cổ. Ngày xưa, Yaki – imo thường được bán trong những chiếc xe tải nhỏ chạy quanh thị trấn với chiếc loa phát ra lời gọi mời “Yaki – imo, Ishi Yaki – imo” đầy hấp dẫn. Những đứa trẻ nghe tiếng rao sẽ chạy đến để mua và thưởng thức những của khoai lang nướng nóng hổi, thơm nức mũi, chỉ cần cắn một miếng hương vị ngọt ngào sẽ lan tỏa khắp khoang miệng.

Yaki – imo - món khoai lang nướng thơm ngon, nóng hổi
 
Theo thời gian, chiếc xe tải nhỏ bán khoai ấy dần trở thành một nét đẹp văn hóa của Nhật Bản. Ngày nay, Yaki – imo dễ dàng mua được ở hầu hết các siêu thị và những chiếc xe tải nọ đã không còn xuất hiện thường xuyên trên đường phố nữa. Tuy vậy, chúng đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ đẹp đẽ đối với nhiều thế hệ người Nhật.

Nếu bạn chưa có kế hoạch cho kỳ nghỉ mùa đông năm nay, tại sao bạn lại không thử tận dụng cơ hội quý báu này để tìm hiểu văn hóa và ẩm thực đặc sắc của “Đất nước mặt trời mọc”. Ẩm thực nơi đây sẽ khiến bạn bất ngờ với những món tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng tinh tế và rất tốt cho sức khỏe. Hãy cùng Univiet Travel khám phá các món ngon Nhật Bản trong chuyến hành trình “Nhật Bản – Lễ hội tuyết”, chỉ với 6 ngày 5 đêm du khách sẽ được tham quan những điểm đến hấp dẫn bậc nhất “Đất nước mặt trời mọc” và thưởng thức những món ăn ngon tuyệt hảo!

Kính mời Quý khách hàng tham khảo chương trình Tour chi tiết tại đây!
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Comment Facebook

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn