DINH CẬU PHÚ QUỐC

Thứ ba - 01/06/2021 01:39
Dinh Cậu Phú Quốc là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng và thu hút rất nhiều du khách. Dinh Cậu được xem như là “bình phong bảo vệ dân”. Tại đây có rất nhiều truyền thuyết kỳ bí, kích thích sự tò mò của du khách gần xa. Và cũng đã từ lâu, nơi đây không chỉ là biểu tượng của tín ngưỡng dân gian, mà còn là nơi chứa đựng biết bao khát vọng của những ngư dân ngày đêm vươn khơi bám biển.
 

Dinh Cậu ở đâu?
Dinh Cậu hay Miếu Dinh Cậu Phú Quốc, ngoài ra người dân trên đảo còn gọi là Ngôi Miếu Long Vương. Nằm ngay vị trí trung tâm của đảo Ngọc, thuộc khu phố 2, phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.


 

Thời gian xây dựng?
Dinh Cậu được xây dựng khá lâu từ năm 1937, đến năm 1997 thì được người dân và chính quyền địa phương tu sửa lại. Có nhiều nguồn tin cho rằng ngôi Dinh cạnh biển này có lịch sử lâu đời hơn nhiều, có nguồn gốc xây dựng ban đầu khoảng thế kỉ thứ 17.
Tương truyền vào khoảng thế kỷ thứ 17, từ khi những cư dân đầu tiên từ miền Trung đến định cư trên đảo. Họ bắt đầu sinh sống bằng nghề chài lưới, đi biển đánh bắt cá nên thường phải đương đầu với sóng to gió lớn.  Nhiều ngư dân ra khơi gặp sóng dữ đã mãi mãi không về. Trong một lần đoàn thuyền của làng chài đi đánh bắt xa, mãi không thấy thuyền cập bờ, người nhà vô cùng lo lắng, biết có điều chẳng lành. Đúng thời gian đó ngoài bãi biển nhô lên một mỏm đá cao. Như một điềm báo lạ, nhưng vào ngày sau đó đoàn thuyền của ngư dân tìm được bờ trở về. Họ kể lại, trong sương mờ đục mất phương hướng nhờ nhìn được mỏm đá cao kia mà xác định được phương hướng vào bờ. Dân đảo cho là núi thiên nên đã lập miếu thờ để cầu mong thần linh che chở trước những tai ương biển cả. Từ đó họ bắt đầu đến đây thờ cúng và quản lý chuyến đi ra khơi để được sóng êm biển lặn. Tin lành đồn xa, dần dần hình thành nên tục thờ cúng tại mỏm đá này. Người dân đảo thường gọi là Ngôi Miếu Long Vương.


 

Dinh cậu thờ những vị thần nào?
Ban đầu trên miếu thờ thần Long Vương độ giới cho ngư dân, sau này thờ Chúa Ngọc nương nương và thờ tượng hai Cậu ( Cậu Tài – Cậu Quý) nhân thần có công bảo vệ che chở người dân, dạy họ làm nghề, đi biển kiếm kế sinh nhai.
Dinh cậu thờ thần, thờ cậu có nét giống với tín ngưỡng thờ mẫu chung, nếu suy rộng ra đây là một dạng thức thờ mẫu ở miền Nam. Tín ngưỡng dân gian về thờ mẫu của người dân Nam Bộ không quá quan trọng nguồn gốc xuất thân của các vị thần mà chịu sự ảnh hưởng của những nét văn hóa mới và có sự giao thoa văn hóa từ miền Bắc vào. Hiện này, tín ngưỡng thờ cậu ở Phú Quốc càng làm phong phú thêm tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam.

 
 
 

Kiến trúc tại nơi đây như thế nào?
Dinh Cậu trước đây là một miếu cổ đơn sơ, kiến trúc hiện thời là tân tạo trong vài năm trở lại đây. Dinh cậu nằm trọn vẹn trên một mỏm đá, từ bờ cát ra Dinh có một chiếc cầu đá nhỏ bắc qua, bước qua 29 bậc thang bằng đá là lên đến Dinh Cậu Phú Quốc. Trên đường lên dinh có một miếu Thổ Thần nhỏ được xây dựng. Sân dinh có đặt bàn thờ ông Thiên, hành lang với những cột đúc bằng xi măng. Được trang trí với những câu liễn bằng chữ Hán được xây nổi. Cửa chính của Dinh Cậu quay hướng Đông nhìn về biển cả. Trước mặt là ngọn hải đăng đêm đêm soi sáng cho người dân chài.
Không sai so với những lời đồn đại, Dinh Cậu Phú Quốc tọa lạc trên một ghềnh đá có hình thù kỳ lạ vương ra biển. Đứng trước biển sóng ngày qua ngày, dù nắng gió, bão bùng vẫn hiên ngang. Hình ảnh Dinh Cậu nép mình dưới tán cây cổ thụ lâu năm hiện ra nhuốm màu huyền bí. Điều kỳ bí này khiến ai cũng tò mò được khám phá dinh và muốn biết về những câu chuyện đầy tính tâm linh nơi đây.
Đại điện là nơi trang nghiêm và được trang trí bày biện đẹp nhất. Trong điện đặt tượng thờ Chúa và hai cậu, người dân nơi đây tôn thờ cậu Tài và cậu Quý vì họ là những người bảo vệ cuộc sống của những người ngư dân làng chài.
Do được xây theo kiểu tân tạo nên các vật liệu kết cấu nên Dinh khá hiện đại và kiên cố. Nhìn từ xa Dinh cậu như một pháo đài thu nhỏ, được bảo vệ bởi các ghềnh đá xung quanh. Trên mỏm đá có cây xanh mọc cao tỏa tán rộng che mát. Cây Sộp trên Dinh có tuổi thọ gần một thế kỉ đã bao năm vươn mình đón sóng gió biển khơi, dày dạn sương gió. Các cây xanh mọc trên đá như biểu hiện sức sống mãnh liệt của người dân miền biển và cũng là điểm nhấn trong mắt du khách khi tới Dinh cậu.
Nhìn tổng quan Dinh cậu vẫn mang một nét nào đó của kiến trúc đình chùa ở miền Bắc, lớp mái ngói đỏ, cổng trụ có mái hiên cong hình thuyền. Trên nóc Dinh có đắp hình “lưỡng long chầu mặt nguyệt”. Bên trong Dinh trang trí vô cùng lộng lẫy, trước hiên lát gạch men sạch sẽ, phía trên đắp tấm hoành phi hình bức cuốn thư ghi chữ quốc ngữ. Hai bên tường trang trí hoa giành sinh động cùng với cặp câu đối:
“Tọa đại thạch đầu quy danh hiển
Vạn cổ anh linh thông tứ hải”
Tạm dịch nghĩa: Dinh cậu nằm ở vị trí đầu mỏm đá giống như đầu con rùa hiển linh, tiếng tăm của của Dinh cậu vang danh khắp bốn phương bể trời.
 
 
 

Thời điểm lý tưởng để tham quan Dinh Cậu ở Phú Quốc?
Thời điểm lý tưởng nhất để bạn có thể ghé là khoảng từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau hoặc từ tháng 4 đến tháng 6 hằng năm. Bởi đây là khoảng thời tiết ở mũi Dinh Cậu thường khá mát mẻ, nắng đẹp. Có thể nói Dinh Cậu đẹp nhất chính là vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn. Chắc chắn đây sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị mà bạn không nên bỏ qua.
Khung cảnh thiên nhiên nơi đây thoáng mát, đón gió bốn mùa, từng con sóng vỗ về lên nét cổ kính rêu phong. Đến Dinh cậu ngoài thăm quan điểm tâm linh nổi tiếng bạn có thể đi dạo dọc bờ biển trên bãi cát trắng trải dài. Con sóng nước khá mạnh, từng đợt xô vào bờ, nhất là mùa khô nơi đây chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên gió lớn và sóng càng mạnh. Đến mùa mưa bờ biển chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam đặc trưng và mưa nhiều. Nhưng đổi lại bạn đến Dinh cậu vào mùa này sẽ có những ngày nắng đẹp tuyệt vời. Biển xanh trong nắng vàng từ Dinh cậu nhìn ra khơi một màu miên nhìn mãi không mỏi mắt.

 
 

Ở Dinh Cậu Phú quốc có lễ hội gì?
Lễ hội Dinh Cậu diễn ra vào ngày 15, 16 tháng 10 âm lịch hàng năm, còn được gọi là lễ cúng kỳ yên Dinh Cậu. Ngư dân thắp hương, khấn vái cầu cho một năm yên lành, được mùa cá tôm. Lễ được tổ chức trang nghiêm trong khuôn viên Dinh Cậu Phú Quốc. Các nghi thức lễ như lễ nghinh cậu, lễ yết cậu, lễ chánh tế… Tất cả được tiến hành vào các giờ nhất định trong hai ngày.
Phần náo nhiệt nhất của lễ hội chính là phần các trò chơi được tổ chức. Đua thuyền, đập nồi, nhảy bao bố hay bắt vịt. Các trò chơi được cư dân hào hứng tham gia tranh tài dưới sự cổ vũ của các khách du lịch. Du khách đến đây sẽ hòa mình vào không gian lễ hội nhộn nhịp. Tụ hội bao nhiêu con người từ mọi miền tổ quốc.
Dịp diễn ra lễ hội hay ngày lễ, Tết hằng năm là thời điểm nhiều người đến đây tham quan nhất. Đến để nghỉ ngơi, ngắm cảnh, đến gần với không gian văn hoá tốt đẹp đầy tự hào của con người đảo Ngọc. Mỗi năm thu hút hơn 100.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ ngơi, tắm biển, ngắm nhìn mây, nước mênh mông.
Suốt hơn 300 năm tồn tại, Dinh Cậu ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền bí thú vị được ngư dân lưu truyền đến tận ngày nay. Dinh Cậu cũng chính là biểu tượng của Phú Quốc nơi Biển – Cát – Nắng – Đá hòa trộn với nhau thành một khung cảnh hữu tình. Cả biển trời ngã dần sang màu vàng đậm, khoảnh khắc trước màn đêm buông xuống màu đỏ sẫm, tiếng sóng biển lóng lánh như giác bằng hồng ngọc đầy hấp dẫn để du khách thập phương tìm hiểu và khám phá.
Dù thực hư thế nào thì đây là những câu chuyện gắn liền với cuộc sống người dân nơi đây hàng trăm năm nay. Hãy đặt chân đến với Dinh Cậu Phú Quốc để tận tai nghe những truyền thuyết đầy bí ẩn tại nơi đây nhé!
Khám phá Chợ đêm Dinh Cậu?
 
 
 
Đến Dinh cậu Phú Quốc bạn có cơ hội được thưởng thức nhiều món ngon, sản vật đặc trưng nơi đây. Đến tối dạo một vòng chợ đêm Dinh cậu để biết thêm đời sống của người dân nơi đây, đồng thời tranh thủ tìm và thưởng thức một vài món ngon như: Bánh chuối nướng, hải sản nướng, kem cuộn Thái Lan … Chợ còn bày bán nhiều đồ lưu niệm, đồ sản vật của địa phương.
Chợ hoạt động từ 5 giờ chiều đến 2 giờ sáng hôm sau nên nếu bạn đủ sức thì chọn nơi đây làm căn cứ nguyên đêm cũng được. Hải sản nướng như hàu, tôm, mực nướng thơm phức trên than hồng. Sao bỏ qua đặc sản bánh tráng Phú Quốc, chuối ép nướng được. Vừa ăn được hải sản tươi ngon mà giá khá “hạt dẻ” vừa đón lấy sự thân thiện, gần gủi của cô chú bán hàng nơi đây.
Lưu ý
Vào những dịp cao điểm như lễ hội thì bạn cần đặt phòng trước 3 đến 4 tuần nếu không sẽ không thể tìm được nơi dừng chân.
Trước khi mua hàng hoá ở chợ đêm Dinh Cậu thì đừng quên hỏi giá để tránh tình trạng bị “chặt chém không thương tiết”.
Dinh Cậu là nơi trang nghiêm nên cần chú ý trang phục kín đáo, lịch sự.
Giữ vệ sinh chung, không xả rác là tiêu chí luôn luôn phải chấp hành khi đi du lịch.

Nguồn tin: Tổng Hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Comment Facebook

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn