NHÀ THỜ MẰNG LĂNG
Về xứ Nẫu, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều chỉ mải miết theo đuổi những ưu ái của tạo hóa đã dành riêng cho vùng đất này: Là hoa vàng trên cỏ xanh, là Ghềnh Đá Đĩa, là Hòn Én,..vv.. Nhưng bạn cũng đừng quên mà không ghé qua nhà thờ Mằng Lăng ít nhất một lần trong đời nhé. Là một trong những nhà thờ cổ xưa nhất ở Việt Nam. Ngoài tên gọi ấn tượng và phong cách kiến trúc Gothic độc đáo. Đặc biệt nơi đây còn được biết đến là nơi lưu giữ cuốn sách in chữ Quốc Ngữ đầu tiên của nước ta và cũng là nơi sinh của Chân phước Anrê Phú Yên - một trong những vị tử đạo bổn mạng của giới trẻ Công giáo. Hãy cùng Univiet Travel khám phá vẻ đẹp cổ kính, ấn tượng và độc đáo mang đậm phong cách Châu Âu tại nhà thờ Mằng Lăng – Phú Yên ngay thôi nào. Nhà thờ Mằng Lăng - Phú Yên Nhà thờ được ai xây dựng, vào năm nào và ở đâu ?
Nhà thờ Mằng Lăng được linh mục Joseph de La Cassagne (thường gọi là Cố Xuân) khởi công xây dựng năm 1892, công trình được xây dựng kéo dài tới 15 năm. Với lịch sử hơn 120 năm tồn tại, tọa lạc tại xã An Thạch, huyện Tuy An, cách Tp. Tuy Hòa ( Tỉnh Phú Yên) hơn 30km về phía Bắc. Ông là linh mục Chánh xứ đầu tiên của giáo xứ này. Bức tượng linh mục Joseph de La Cassagne được đặt trang nghiêm ngay trước nhà thờ. Và bức tượng Chân phước Anrê Phú Yên cũng được đặt uy nghiêm bên trong nhà thờ.
Bức tượng linh mục Joseph de La Cassagne (tên tiếng việt là Cổ Xuân) được đặt trang nghiêm ngay trước nhà thờ Bức tượng Chân phước Anrê Phú Yên cũng được đặt uy nghiêm bên trong nhà thờ
Tại sao nơi đây được gọi là nhà thờ Mằng Lăng ?
Khi đến đây tham quan, chiêm ngưỡng nét đẹp kiến trúc Gothic cổ điển, độc đáo của nhà thờ thì điều chúng ta không khỏi tò mò nhất chính là tên gọi của nhà thờ. Mằng Lăng tên gọi nghe khá lạ tai nhưng ấn tượng này lại có nguồn gốc mộc mạc và giản dị vô cùng. Theo các bậc cao niên gần nhà thờ kể lại thì cách đây hơn 100 năm, tại khu vực An Thạch này rất ít người dân sinh sống, nơi đây chủ yếu chỉ toàn là cây cối. Trong số đó có một loại cây rừng mọc rất nhiều, to lớn, tán phủ rộng, lá cây hình bầu dục, hoa mọc thành chùm, nở ra màu tím hồng rất đẹp. Vì cây cùng họ với Bằng Lăng nên được người dân địa phương gọi là Mằng Lằng. Vì thế khi nhà thờ được xây dựng tại khu vực này nên đã được đặt tên là Mằng Lăng theo tên loài cây quý này. Hiện nay dấu tích khu rừng Mằng Lăng ấy không còn nữa nhưng trong nhà thờ vẫn còn giữ một chiếc bàn gỗ mặt tròn có đường kính 1,7m làm từ gỗ Mằng Lăng từ thuở sơ khai khi vừa mới xây dựng nhà thờ. Bàn gỗ mặt tròn có đường kính 1,7m làm từ gỗ Mằng Lăng Công trình kiến trúc cổ độc đáo tại nhà thờ Mằng Lăng
Đến đây chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng một trong những công trình kiến trúc Gothic đặc sắc – lối kiến trúc bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng 1200 năm TCN. Thời kì hoàng kim nhất của lối kiến trúc Gothic ở khoảng thế kỉ 18-19 xuất hiện rất nhiều ở các công trình lớn, đặc biệt là các công trình Tòa Thị Chính, nhà thờ, trường học ở Châu Âu thời bấy giờ, không ít những công trình trên thế giới mang phong cách kiến trúc Gothic này được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Nhìn từ cổng vào, nhà thờ Mằng Lăng có quy mô khiêm tốn và nội thất giản tiện hơn nhiều so với các công trình nhà thờ nổi tiếng khác ở Việt Nam như: nhà thờ Đức Bà (TP Hồ Chí Minh), nhà thờ Phú Nhai (Nam Định), nhà thờ Trà Cổ (Quảng Ninh), nhà thờ Con Gà (Đà Lạt)…. Nhưng so với thời ấy thì xây dựng được một nhà thờ Mằng Lăng ở Phú Yên như thế này có lẽ đã là niềm hạnh phúc lớn lao cho những người dân ở nơi đây. Nhà thờ Mằng Lăng Theo tài liệu tại Nhà thờ Mằng Lăng cho thấy, nhà thờ được xây dựng trong một khuôn viên rộng hơn 5.000 m2 có nhiều cây xanh. Không biết là vô tình hay hữu ý mà toàn bộ nhà thờ đều được sơn một màu xanh xám giản dị, hòa đồng với khung cảnh ruộng vườn cây lá xung quanh. Trải qua hàng thế kỉ toàn bộ nhà thờ toát lên vẻ cổ xưa với sơn phủ màu xanh xám đã sờn màu và rêu phong đã bám đầy trên vách, nhìn vào đó ta như thấy được những bước đi của thời gian, vượt qua sự băng hoại của thời gian, Mằng Lăng vẫn đứng sừng sững như một vị lão nhân trăm tuổi, một chứng nhân lịch sử trên mảnh đất duyên hải miền Trung yên bình và xinh đẹp này.
Lối kiến trúc Gothic tại nhà thờ Mằng Lăng Với lối kiến trúc Gothic, đỉnh cao của nhà thờ Mằng Lăng là hai tháp chuông hai bên. Ở giữa là thập tự giá - biểu tượng của thánh đường. Bao bọc mặt tiền nhà thờ là những lối vào hình mái vòm, trông như những búp măng. Trần nhà thờ được lót la-phông gỗ không còn kiểu mái vòm đặc trưng của kiến trúc Gothic. Nhưng dấu ấn của Gothic ở một trong những công trình nhà thờ lâu đời nhất ở đây vẫn biểu hiện ở những lối mở thông ra hai gian bên gian chính giữa thánh đường.
Phía sau nhà thờ Mằng Lăng
Họa tiết và màu sắc bên trong nhà thờ Mằng Lăng Nếu như các cửa sổ hình búp măng xung quanh phía trên tường bao bọc nhà thờ có màu sắc và hoạ tiết của kiến trúc Gothic xuất xứ Châu Âu, thì ngoài ra nhà thờ Mằng Lăng vẫn có chất Việt Nam với những họa tiết chạm trổ tinh xảo trên những cánh cửa chính bằng gỗ của nhà thờ này.
Bên trong nhà thờ Mằng Lăng
Nơi lưu giữ cuốn sách in chữ Quốc Ngữ đầu tiên của Việt Nam
Không chỉ gây ấn tượng với kiến trúc cổ xưa mà nhà thờ Mằng Lăng còn có một hang thánh đường trong lòng một quả đồi nhân tạo ở cánh tay trái nếu đi từ ngoài vào qua cổng chính. Từ một lối vào nhỏ hình vuông kê bằng đá lại dẫn vào một không gian khá rộng lớn, mang tới cảm giác huyến bí với vòm hang và những chân trụ trông như những khối thạch nhũ ở Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) hay trong các động Phong Nha, động Thiên Đường (Quảng Bình). Hang thánh đường bên trong quả đồi
Lối vào hang thánh đường Đây chính là nơi lưu giữ cuốn giáo lý “Phép giảng tám ngày” của giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591-1660, người Pháp) là một nhà truyền giáo Dòng Tên và còn là một nhà ngôn ngữ học người Avignon (người địa phương vẫn hay gọi ông là cha Đắc Lộ). Quyển sách được giữ trang trọng một cách đặc biệt trong một hộp kính, đặt phía trên chiếc tủ gỗ kê sát tường. Cuốn sách in chữ Quốc ngữ đầu tiên của nước ta Cuốn giáo lý này đặc biệt hấp dẫn du khách không kể người trong hay ngoại đạo bởi đây là “cuốn sách có in chữ quốc ngữ đầu tiên” của nước ta. Có tổng số 319 trang, mỗi trang in thành 2 cột (song ngữ La tinh và quốc ngữ), được in tại Roma (Italia) vào năm 1651 được Tòa thánh Vatican cho phép in và phát hành. Nhờ vào việc phổ biến Kitô giáo tại Việt Nam, ông đã hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam hiện đại bằng cách hệ thống hóa cách ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự La tinh. Cũng chính những dòng chữ này được phổ biến rộng rãi, được cải tiến nhiều để đến hôm nay trở thành chữ quốc ngữ chính thức của dân tộc Việt Nam. Đền Anrê bên trong hang Thánh đường
Bên trong khuôn viên nhà thờ và hang thánh đường còn lưu giữ nhiều hình ảnh chụp nhà thờ Mằng Lăng từ những năm 90 tới nay và những hiện vật giá trị với giáo xứ như những hình ảnh điêu khắc chạm trổ kể lại những câu chuyện về thánh Anrê Phú Yên (sinh năm 1625 - mất năm 1644) khi ông tròn 19 tuổi. Anrê Phú Yên là một nhà truyền giáo và đã tử vì đạo, ông là một trong số 117 người tử vì đạo trên thế giới đã được phong Á thánh.
Điêu khắc chạm trổ trên đá cha Đắc Lộ rửa tội
Điêu khắc cảnh Chân phước Anrê tử đạo tại Quảng Nam Với lịch sử hơn 120 năm tồn tại, khi đứng trước sân Nhà thờ nghĩ về khởi nguồn chữ quốc ngữ ở Việt Nam và nhìn bước thăng trầm của thời gian in hằn lên Nhà thờ Mằng Lăng, mỗi bức tường, cánh cửa, bàn cầu nguyện nơi đây đều nhuốm màu thời gian, giữa bao nhiêu vật đổi sao dời trải qua bao cuộc bể dâu, mặc dòng chảy vô tình của thời gian có bào mòn tất cả, mới thấy cả một hành trình thật dài. Nhà thờ Mằng Lăng vẫn đứng đó với bao câu chuyện đặc biệt của riêng mình. Vì thế nếu bạn có dịp đến với Phú Yên thì hãy nhớ ghé qua nhà thờ Mằng Lăng 1 lần để trãi nghiệm cảm giác hoài cổ này nhé.
Tham khảo tour bên dưới:
TOUR PHÚ YÊN - QUY NHƠN
TOUR PHÚ YÊN - HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH