Hướng dẫn cách sử dụng hệ thống tàu điện Nhật Bản - Phần 2

Thứ sáu - 26/06/2015 03:19
Hôm nay chúng ta nói về một nhân vật không thể thiếu của bất kỳ một nhà ga tàu điện nào ở Nhật nhé. Đó chính là “máy bán vé tự động” đủ màu sắc. Nói thiệt là máy cái bán vé ở Tokyo khiến mình phải kinh hoàng ngay lần đầu tiên. Thứ nhất là không hiểu cách nó bán thế nào. Thứ hai nữa là ngó lên cái bản đồ đường xe chạy phía trên thì bản thân chỉ có từ “chết tới lết” thôi. Và điều cuối cùng là ở Tokyo, mấy hãng đường sắt mọc lên như nấm, một cái ga thôi mà 4, 5 hãng loạn xì ngầu lên, đã vậy còn cạnh tranh nhau về giá vé nữa thế nên trên cái máy bán vé cũng nương theo các “chú” ấy mà loạn cào cào lên về giá tiền.

Một lời khuyên chân thành cho các bạn: nếu đứng trước một ga lớn bất kì ở Tokyo, đừng dại dột gì mà ngó lên cái bảng gắn trên đầu mấy cái máy bán vé nhé. Nó chỉ khiến cho bạn gia nhập vào đội ngũ “những người cùng khổ” thôi. Hãy sử dụng Hyperdia hoặc mạng điện thoại để kiếm đường trước, nếu gấp quá mà không lên mạng được thì hỏi thẳng nhân viên ngay cổng soát vé là tốt nhất. Khi nào bạn bắt đầu quen với các chữ hán tự xinh đẹp nhảy tung tăng trên cái bảng đó rồi thì hãy nhìn bảng mà đi. Phần này thì các bạn sử dụng JR Pass xem cho biết thôi nhé, không có liên quan với các bạn lắm đâu
Nhưng để có cái nhìn tổng quát thì ở đây mình sẽ hướng dẫn luôn cách nhìn bảng. Sẽ chọn cái bảng bớt rối cho các bạn dễ hình dung nhé.
Trước tiên là nói về cái bảng “thần sầu quỷ khóc” nhé.

su dung tau dien nhat ban
                                                 Hình 1: Bảng hệ thống tàu điện ở ga Asakusa

su dung tau dien nhat ban

                                             Hình 2: Bảng hệ thống tàu điện ở ga Asakusa

Như hình phía dưới thì “This station” là ga ASAKUSA (chỗ được khoanh tròn ấy) Tùy mỗi ga sẽ có một phong cách bảng khác nhau” Nhưng nói chung thì các bạn cứ kiếm chữ 当駅 (toueki) hoặc 現在 (genzai) chính là nơi bạn đang đứng. Phải định vị được bản thân thì bạn mới biết được mình cần đi tới đâu.

su dung tau dien nhat ban
                                                                  Hình 3: Nơi bạn đang đứng

Mỗi một tuyến xe sẽ có một màu khác nhau, điều này sẽ được chú thích rõ trên bảng nên đừng lo, Những vùng màu xám ý chỉ là ngay tại ga đó thì 2 line nó giao thoa nhau (khi đó thì bạn đi chuyến nào cũng xuống được ở ga đó cả, mình sẽ nói rõ hơn ở khúc sau). Như hình 1 phía trên (phóng to ra cho thấy rõ nhé) thì:

Màu xanh dương : Mita line
Xanh lá : Shinjuku Line
Cam : Asakusa Line
Đỏ: Oedo Line

Và 3 Line này đều thuộc hãng TOEI SUBWAY (góc bên trái phía dưới bảng). Vâng vì anh TOEI không có chữ JR ở đây nên có nghĩa nó là Line tư nhân đấy. Vì sao phải chú ý chữ TOEI SUBWAY? Đơn giản là bởi vì hãng JR và các hãng Tư nhân sẽ có cổng ga biệt lập, một thằng đằng tây và một thằng đằng đông. Xớn xác đứng nhầm ga thì tết Congo mới tới nơi nhé.
Ví dụ thôi nhé: Bạn đang đứng ở ngã tư đường và chuẩn bị đi đến ga . Bạn sẽ chú ý có những lối cầu thang hoặc thang máy dẫn xuống dưới hầm. Phía trên sẽ có đề bảng nôm na ý chỉ là “lối này sẽ dẫn đến các line của hãng TOEI SUBWAY” hoặc “Lối này sẽ dẫn đến JR Line”. Nhớ chú ý!!
Bạn không cần quan tâm toàn bộ chữ số trên bảng làm gì cho mệt, bạn chỉ cần biết cái tên ga bạn đến và số tiền biểu hiện ngay ga đó là được. Chẳng hạn mình muốn đến ga OSHIAGE (vùng khoanh tròn phía dưới ảnh).

su dung tau dien nhat ban
                                                 Hình 4: Điểm cần đến là ga Oshiage

Các thông tin mình cần xác định :
  1. Ga hiện tại là ASAKUSA.
  2. Ga OSHIAGE nó nằm ở đâu trên cái bảng chết tiệt này.
  3. Line cần đi là ASAKUSA Line (Vì cái ô OSHIAGE nó là màu cam)
  4. Giá tiền tới OSHIAGE là 180 yên.
Xong! Đừng quan tâm mấy thứ lặt vặt khác.
Trường hợp cần đổi chuyến thì tương tự nhưng nhức đầu hơn nhiều . Ví dụ từ ASAKUSA muốn đến SHINJUKU :

su dung tau dien nhat ban
                                              Hình 5: Ga Shinjaku được kí hiệu màu xám
 
Như đã nói ở trên, màu xám ở đây ý chỉ đây là ga giao thoa của các Line. Cụ thể ở đây là 2 Line OEDO (màu đỏ) và Line SHINJUKU (màu xanh lá) (Nhìn theo hai hướng mũi tên trên hình). Bạn có thể leo lên Line nào cũng “tới La Mã” cả.
Có 2 hướng:
Dễ
  1. Ga hiện tại là ASAKUSA.
  2. Ga cần đến là ga SHINJUKU
  3. Line cần đi trước tiên là ASAKUSA Line và sau đó OEDO Line
  4. Ga phải xuống để đổi chuyến là DAIMON.
  5. Giá tiền tới SHINJUKU là 270 yên.
su dung tau dien nhat ban
                               Hình 6: Chuyển từ Line ASAKUSA sang Line OEDO ở ga DAIMON

Khó:
  1. Ga hiện tại là ASAKUSA.
  2. Ga SHINJUKU nó nằm ở đâu trên cái bảng .
  3. Line cần đi trước tiên là ASAKUSA Line và sau đó SHINJUKU Line
  4. *Ga phải xuống để đổi chuyến là HIGASHI-NIHONBASHI và BAKURO-YOKOYAMA.
  5. Giá tiền tới SHINJUKU là 270 yên.
su dung tau dien nhat ban

        Hình 7: Chuyển từ Line ASAKUSA sang Line SHINJUKU ở ga HIGASHI-NIHONBASHI và BAKURO-YOKOYAMA.

* Vì sao ở đây tới 2 ga đổi chuyến mà lại kế nhau? Các bạn nhìn vào hình dưới cho kĩ nhé. Thực chất cái Line ASAKUSA và SHINJUKU KHÔNG HỀ giao nhau nhé. Bạn thấy cái ô xám của ga HIGASHI nó hơi nhếch lên cao hơn so với đường Line xanh lá SHINJUKU không? Đó là ý chỉ ở ga HIGASHI-NIHONBASHI không có đón được SHINJUKU Line đâu .
Rồi bạn tiếp tục chú ý là giữa hai cái ô xám HIGASHI và BAKURO nó nối với nhau. Điều đó có nghĩa là 2 cái ga này nó gần xịt à, đi bộ mấy phút là tới. Mà BAKURO thì nằm ngay trên tuyến đường của SHINJUKU Line nên bạn sẽ đi bộ từ HIGASHI-NIHONBASHI đến BAKURO-YOKOYAMA. Sau đó đón chuyến SHINJUKU Line.
Chú ý :
Những ô màu xám ý chỉ là ga đó giao thoa giữa các tuyến xe. Ví dụ như SHINJUKU (hình 5) cũng là màu xám. Nghĩa là bạn có thể tới SHINJUKU bằng OEDO Line hoặc bằng SHINKUKU Line và ngược lại ở ga này bạn có thể đón Line OEDO hoặc Line SHINJUKU đều được.
Giá tiền là phần của 1 người lớn. Trẻ em giá rẻ hơn được đánh dấu ở phần dưới bảng hoặc ngay cái ô vuông sẽ có 2 dòng số : lớn của người lớn mà nhỏ của trẻ nhỏ. Nhưng đi du lịch ai đời xách theo trẻ em trừ phi bạn đi với gia đình thôi. Nên không cần bận tâm lắm đâu.

Xong phần đau khổ nhất. Giờ tới cái máy bán vé. Máy bán vé có rất nhiều màu. Còn hơn là bảy sắc cầu vồng nữa. Mỗi một màu sẽ biểu hiện cho những chức năng riêng mà chỉ nó mới có nhưng mà tùy ga thì nó màu khác nhau nên bạn cũng chả cần bận tâm nó màu gì. Chú ý cái bản chú thích ở mỗi máy là được. Vì nhu cầu thu hút khách du lịch nên hầu hết các ga lớn nhỏ ở các thành phố lớn đều có tiếng Anh nên nói chung bạn sẽ không khổ sở lắm đâu. Tuy nhiên cái gì cũng có giới hạn, phổ cập giáo dục cũng không có toàn dân toàn quốc trong vòng vài năm là hết  nên khi bạn muốn hòa mình vào thiên nhiên ở mấy nơi “đất lành chim đậu” thì phải đối mặt với đống hán tự hen. 

su dung tau dien nhat ban

                                                                   Hình 8: Máy bán vé

Lấy ví dụ một cái máy đơn giản nhất ở hình dưới nhé. (Giao diện các máy có thể hơi khác nhau nhưng cơ bản cũng có nhiều đó bước à)

su dung tau dien nhat ban

                                                  Hình 9: Chọn nút phù hợp để mua vé

su dung tau dien nhat ban

                                                        Hình 10: Chọn giá vé thích hợp

su dung tau dien nhat ban

                                       Hình 11: Máy bán vé có thể nhận cả tiền mặt và tiền xu

su dung tau dien nhat ban
                                                                          Hình 12: Vé

Bạn đi 2 đứa, muốn đến OSHIAGE. Như hướng dẫn phía trên thì một người sẽ mất 180 yên.
Okay, tiến tới cái máy, nhìn vào mấy cái nút bên trái của máy (Hình phía dưới) . Nó có hình theo thứ tự từ trên xuống là 1 người, 2 người, 3 người, 1 lớn 1 nhỏ v..v .
  1. Bấm vào nút 2 người lớn
  2. Ngó vào màn hình, chọn 180.
  3. Máy sẽ tự động nhân đôi số tiền lên , bạn chỉ cần bỏ tiền xu vào khe là được. Nếu không có tiền đồng thì máy cũng chập nhận tiền giấy , giá trị tối đa là 10,000 yên.
  4. Nếu có tiền thối thì máy sẽ nhả ra.
  5. Đợi vài giấy máy sẽ nhả vé ra cho bạn.

Còn một trường hợp SIÊU phức tạp nữa chính là bạn sẽ chuyển chuyến nhưng là chuyển luôn cả hãng tàu điện. Tức là bạn đang đi trên các line của TOEI SUBWAY chẳng hạn rồi sau đó nhảy sang một hãng khác là JR . Lúc đó giá tiền nó sẽ khác. Không chỉ đơn giản là nhìn vào giá trên cái màn hình là xong đâu vì khi đó màn hình sẽ không thể hiện hết được các giá tiền. Thế nhưng để giải thích cái này thì rất phức tạp, các bạn sẽ rối. Nên tốt nhất là bạn sử dụng trang HYPERDIA để biết chính xác mình cần lên chuyến nào và tổng giá vé là bao nhiêu.
Với trường hợp siêu phức tạp (chuyển chuyến đên 3, 4 lần) , nếu bạn đi du lịch thì mình khuyên bạn hãy sử dụng JR Pass cho khỏi đau đầu, nếu bạn là du học sinh hoặc đang đi làm thì có một cách đỡ đau não hơn đó chính là sử dụng thẻ PASMO hoặc SUICA.

 su dung tau dien nhat ban
                                                                      Hình 13: Thẻ Suica

su dung tau dien nhat ban
                                                                    Hình 14: Thẻ Pasmo

Ở một số nhà ga có các máy tự động làm thẻ PASMO, nhưng đơn giản nhất là bạn đến trung tâm bán vé của các nhà ga (TICKET INFORMATION CENTER) và yêu cầu làm thẻ. Có tấm thẻ này trên tay, bạn chẳng cần quan tâm nơi đó phải mua loại vé nào cả. Chỉ cần quẹt thẻ ngay cổng ra vào là nó tự động trừ tiền trong tài khoản bạn. Siêu tiện lợi. Tuy nhiên, có một số tỉnh thành , hệ thống charge tự động này không được áp dụng lúc đó bạn phải mua vé thôi. PASMO/SUICA có thể dùng để thay tiền mặt mua vé được nên cũng không là vấn đề gì. (Thay vì đút tiền vào thì bạn đút thẻ vào thôi).

su dung tau dien nhat ban

                                                       Hình 15: Khe nhận thẻ đi tàu điện

Cách nạp tiền vào thẻ:

su dung tau dien nhat ban


                                    Hình 16: Không phải máy nào cũng nạp tiền vào thẻ được


su dung tau dien nhat ban

                       Hình 17: Chọn nút nạp tiền, một số máy sẽ bỏ qua thao tác bấm nút nạp tiền


su dung tau dien nhat banet

                                                             Hình 18: Đút thẻ vào máy

su dung tau dien nhat ban

                                     Hình 19: Chọn số tiền muốn nạp sau đó bỏ tiến vào máy

Với bí kíp mua vé trên mạng và cả trên máy bán vé tự động cùng với việc xác định tuyến đi này bạn sẽ có thể đi đến bất cứ nơi nào tại Nhật Bản chỉ cần nơi đó có trạm tàu điện ngầm mà thôi.


Hướng dẫn sử dụng hệ thống tàu điện ở Nhật Bản - Phần 1

Tác giả bài viết: Nyuhato/Hạ Tử

Nguồn tin: minakamisnowland.wordpress.com

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Comment Facebook

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn