HIMEJI - LÂU ĐÀI HẠC TRẮNG

Thứ ba - 01/10/2019 22:30
Đôi nét về lâu đài Hạc Trắng Himeji
 
1. Vị trí địa lý

Nằm ở trung tâm thành phố Himeji thuộc tỉnh Hyogo vùng Kansai, lâu đài Himeji là một trong 3 tòa thành cổ quý báu của Nhật Bản (tam đại quốc bảo thành) bao hồm Himeji, Matsumoto và Kumamoto.

Tòa lâu đài Himeji còn có cái tên là “White Heron” (Hạc Trắng) do vẻ ngoài màu trắng và tao nhã của nó, được coi là lâu đài có kiến trúc ngoạn mục nhất của Nhật Bản về quy mô và vẻ đẹp hùng vĩ cũng như khuôn viên lâu đài phức tạp được bảo tồn tốt.



Lâu đài Himeji

2. Quá trình hình thành
 
Lịch sử thành lập của lâu đài Himeji bắt đầu từ năm 1333 khi lãnh chúa Norimura Akamatsu ra lệnh xây dựng một pháo đài trên đồi Himeyama (nơi mà lâu đài Himeji đang tọa lạc). Đến năm 1346, lâu đài được xây thêm các khu nhà và công trình phụ khác.
 
Lâu đài Himeji tiếp tục trải qua sự cai trị của nhiều vị tướng lĩnh khác nhau cho đến khi chịu sự cai trị hoàn toàn của lãnh chúa Terumasa Ikeda, một cuộc đại trùng tu đã diễn ra trong thời trị vì của ông, và được hoàn thành vào năm 1609 khi mà kiến trúc của lâu đài Himeji hoàn thiện và trở thành hình dáng mà chúng ta nhìn thấy ngày nay.

Sau khi cuộc đại trùng tu hoàn thành, lâu đài Himeji tiếp tục tồn tại trong suốt 400 năm sau đó mà không bị bất cứ tác động nào như chiến tranh thời cổ đại và cận đại, thiên tai hay nhân họa như động đất và hỏa hoạn, điều này có nghĩa là Himeji trở thành một trong những lâu đài bằng gỗ được bảo tồn hoàn hảo và đẹp nhất xứ sở Phù Tang. Năm 1993, Lâu đài Himeji đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới, và là báu vật quốc gia của Nhật Bản. 

Khám phá lâu đài Hạc Trắng Himeji

 
1. Kiến trúc của lâu đài Himeji

Lâu đài Himeji được xây dựng trên đỉnh ngọn đồi Himeyama cao 45,6m so với mực nước biển và được bao quanh bởi 2 hào nước bảo vệ như là lớp phòng thủ đầu tiên. Một khi kẻ xâm nhập vượt qua lớp phòng thủ đầu tiên thì thứ chờ đợi chúng tiếp theo chính là những bức tường có độ cao 26m và dài khoảng 4.8km bao bọc xung quanh lâu đài. Bên cạnh việc có lợi thế về chiều cao thì những bức tường và các tòa tháp còn sở hữu hơn 1000 ô phòng thủ dành cho quân coi giữ sử dụng, họ có thể bắn ra những mũi tên cũng như đạn từ những ô phòng thủ này đối với kẻ xâm nhập, ngoài ra những bức tường này còn được bôi những lớp thạch cao trắng nhằm để chống việc bị hỏa công.


 
Các bức tường phòng thủ của thành Himeji

Có tổng cộng 84 cánh cổng ở bên trong và ngoài lâu đài, nhưng chỉ còn tồn tại 21 cánh cổng ngày nay. Thông thường thì điểm yếu nhất của một tòa thành chính là cánh cổng của nó, nhưng điều này lại không áp dụng cho thành Himeji bởi những cánh cổng nơi đây sẽ không đưa bạn vào trong lâu đài, thay vào đó, chúng sẽ đưa bạn vào một trong những mê cung phức tạp khiến cho bạn có thể sẽ gặp phải những tháp canh hay thậm chí là ngỏ cụt.


 
Một trong những cánh cổng còn sót lại của Himeji

Mê cung trong lâu đài không chỉ được dùng với mục đích làm kẻ địch bối rối mà còn cung cấp các vị trí phòng thủ cho quân coi giữ để có thể phản công dễ dàng nhằm chiếm lại tòa lâu đài. Bên cạnh đó, thì nhiều cánh cổng trong lâu đài còn được mạ sắt để tăng độ phòng ngự, điều này làm cho việc đục thủng lớp phòng thủ của những cánh cổng cũng trở thành một vấn đề đối với kẻ địch, cho dù chúng có thành công trong việc xâm nhập 1 cánh cổng thì vẫn còn vô số cánh cổng cùng với hỏa lực của quân coi giữ ờ phía sau.


 
Bản thiết kế phức tạp của thành Himeji

Bên trong thành là sự kết hợp của 83 kiến trúc được bao quanh lâu đài Himeji. Ý nghĩa của việc phân bố các tòa nhà bao quanh lâu đài chính được dùng với mục đích phòng thủ lâu đài khi mà các khu vực xung quanh lâu đài được thiết kế lồng vào nhau dễ gây nhầm lẫn. Ngoài ra các hành lang được thiết kế vừa dài và hẹp với mục đích làm chậm kẻ xâm nhập và đa số các hành lang còn được trang bị các loại bẫy treo như dầu sôi hoặc cung tên nhằm tiêu diệt sinh lực kẻ thù, bên cạnh đó thì các tòa nhà còn tồn tại các phòng ẩn được dùng để ẩn núp và phục kích của quân coi giữ.


 
Bên trong lâu đài Himeji

Lâu đài Himeji bao gồm 6 tầng và 1 tầng hầm với độ cao 46 m, nếu nhìn từ bên ngoài ta chỉ có thể nhìn thấy rằng lâu đài chỉ có 5 tầng bởi vì tầng 4 và tầng 5 dường như đã được hợp nhất. Ở tầng thấp nhất của lâu đài được thiết kế với các lỗ phòng thủ nhằm giúp quân coi giữ có thể thả những đồ vật phòng thủ vào quân địch. Những mái nhà màu bạc thanh lịch của lâu đài kết hợp với mặt tiền màu trắng tinh khiết của lâu đài tạo ra một hình ảnh tuyệt đẹp cứ như một con hạc trắng đang vỗ cánh vậy, vì vậy mà lâu đài Himeji còn có một tên gọi khác là lâu đài hạc trắng.


 
Cận cảnh lâu đài Himeji

Với một hệ thống phòng thủ đồ sộ và gần như là bất khả xâm phạm, thật không kỳ lạ khi lâu đài Himeji lại chẳng bao giờ trở thành mục tiêu bị tấn công trong suốt thời kỳ chiến tranh phong kiến, đến thời kỳ cận đại và hiện đại Himeji lại may mắn khi không trở thành nơi bị trọng điểm quan tâm của các lực lượng vũ trang, điều này đã giúp cho lâu đài Himeji được bảo tồn hoàn hảo cho đến ngày nay mà không phải chịu bất cứ tác động nào.

2. 
Tham quan lâu đài Himeji
 
Du khách có thể tham quan ở 2 khu vực khác nhau ở thành Himeji, một khu vực tham quan sẽ cho phép tham quan miễn phí, khu còn lại sẽ tính phí tham quan.

Đối với khu vực tham quan miễn phí, du khách chỉ cần đi qua cổng Otemon là cổng chính của thành Himeji và sau đó đi vào khu tường thành thứ ba phía bên ngoài với tên gọi là Sanomoru. Nơi đây nổi bật với khung cảnh hoa anh đào nở rộ vào mùa xuân và là một trong những địa điểm cắm trại lý tưởng.


 
Khu vực Sanomoru 

Để có thể vào khu vực tham quan có thu phí, du khách cần phải mua vé vào cổng ở cánh cổng Hishi để vào tham quan lâu đài Himeji, sau khi mua vé, du khách có thể đi vào các lối nhỏ hẹp trong tòa thành và bắt đầu đi lên lâu đài 6 tầng Himeji, càng lên cao các tầng của lâu đài sẽ trở nên nhỏ hơn và được trang trí đơn sơ với các bảng hiệu giới thiệu các đặc điểm và chức năng phòng thủ của tòa lâu đài. Bạn có thể leo lên tầng cao nhất của lâu đài với đài quan sát cho phép du khách tham quan nhìn toàn cảnh thành Himeji và nhìn ra xa thành phố.


Cổng Hishi nơi du khách mua vé vào tham quan

Sau khi tham quan lâu đài Himeji bạn có thể tiếp tục chuyến hành trình của mình trong khu tham quan trả phí ở thành phía tây – Nishinomaru – nơi sở hữu vị trí tuyệt đẹp.


 
Vườn Nishinomaru

Ngoài việc tham quan các kiến trúc ở thành Himeji, du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh của hơn 1000 cây hoa anh đào nở rộ trong khuôn viên của thành Himeji, nơi đây được cho là một trong những điểm ngắm hoa anh đào đẹp nhất Nhật Bản thu hút lượng lớn du khách và người dân địa phương đến cắm trại và ngắm hoa hàng năm.


 
Hoa anh đào ở Thành Himeji

Hoạt động đi thuyền trên một trong các hào nước nguyên bản được dùng như 1 tuyến phòng thủ xung quanh thành Himeji nếu tham quan vào các ngày thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ quốc gia cũng là một trong các hoạt động nên thử một lần khi đến đây.


 
Trải nghiệm đi thuyền ở thành Himeji

Thành Himeji còn sở hữu khu vường Kokoen một khu vườn phong cách Nhật Bản nằm cạnh. Nơi đây bao gồm chín khu vườn khác nhau được thiết kế với nhiều phong cách của thời kỳ Edo. Khu vườn mở cửa vào năm 1992 để kỷ niệm 100 năm thành lập thành phố Himeji.


Vườn Kokoen

Thời điểm thích hợp để ghé thăm thành Himeji

Thành Himeji luôn mở cửa để đón du khách suốt 4 mùa trong năm, vì thế mà bạn có thể đến thăm nơi đây vào bất kỳ thời điểm nào mà bạn muốn và mỗi một mùa sẽ tương ứng với mỗi trải nghiệm khác nhau mà du khách có thể thưởng thức và tham quan.

Mùa xuân: thật không thể bàn cãi khi nói mùa xuân chính là mùa đẹp nhất để ghé thăm thành Himeji bởi vì những rừng cây hoa anh đào của Himeji sẽ nở rộ và bung tỏa hương sắc vào mùa xuân tạo nên một khung cảnh hư ảo và cổ kính thu hút du khách đến đây tham quan.


 
Hoa anh đào nở rộ vào mùa xuân ở thành Himeji

Mùa hè: mùa hè ở Nhật Bản được coi là mùa của các lễ hội, khi mà các lễ hội lớn nhỏ liên tục diễn ra trên cả nước, và ở thành Himeji cũng không ngoại lệ khi mà các lễ bắt đầu diễn ra trong số đó ta có thể kể đến lễ hội diễu hành lồng đèn diễn ra trước thành Himeji được tổ chức vào ngày 22 tháng 6 hàng năm.


 
Một trong các lễ hội diễn ra ở trước thành Himeji

Mùa thu: Là một trong những mùa đẹp nhất Nhật Bản với những cánh lá đỏ nở rộ sắc đỏ trên khắp nước Nhật, và ở thành Himeji cũng không ngoại lệ khi mà sắc đỏ trộn lẫn màu trắng tinh khiết của lâu đài tạo nên một bức tranh rực rỡ vào mùa thu.


 
Rực rỡ lá đỏ ở thành Himeji

Mùa đông: Đây là khoảng thời gian mà lâu đài Himeji có phong cảnh tuyệt đẹp và mờ ảo của mùa đông khiến cho du khách có cảm giác như là lạc vào một bộ phim cổ trang nào đó vậy.


Mùa đông thơ mộng ở thành Himeji

Đến thành Himeji bằng cách nào ?

Tùy vào địa diểm xuất phát mà thời gian và phương tiện đến thành Himeji sẽ khác nhau, dưới đây là các tuyến đường đến thành Himeji mà bạn có thể tham khảo:
  • Nếu như xuất phát từ Osaka, du khách có thể bắt chuyến tàu ở đây đến ga Himeji bằng tàu điện JR, mất khoảng 1 giờ 5 phút là đến nơi. Nếu chọn đi bằng tàu Shinkansen thì sẽ mất 50 phút là đến nơi.

  • Nếu du khách xuất phát từ Kyoto thì đi tàu Shinkansen sẽ chỉ mất 44 phút là đến nơi, còn nếu du khách chọn đi bằng tàu điện JR thì sẽ tốn 1 giờ 38 phút nhưng sẽ tiết kiệm chi phí hơn.
 
  • Nếu xuất phát ở thành phố Kobe thì du khách có thể tự do lựa chọn phương tiện di chuyển đến Himeji do chỉ cách Himeji 55km, từ xe buýt cho đến tàu điện ngầm hoặc taxi cũng là một trong những lựa chọn cho việc di chuyển. Sau khi đã đến ga Himeji, du khách có thể tiếp tục di chuyển bằng xe bus, taxi hoặc đi bộ để đến thành Himeji.

Giá vé tham quan Himeji

Himeji sẽ mở cửa đón khách từ 9h đến 17h mỗi ngày, dưới đây là giá vé vào cổng tham quan

1. Vé tham quan Himeji
  • Người lớn (18 tuổi trở lên) - 1.000 yên
  • Học sinh (Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) - 300 yên
Đi theo nhóm 30 người trở lên:
  • Người lớn -  800 yên
  • Học sinh - 240 yên
2. Vé tham quan kết hợp lâu đài Himeji và vườn Koko-en
  • Người lớn – 1050 yên
  • Học sinh – 360 yên

Thông qua bài viết trên, chúng ta đều thấy được rằng Himeji thật xứng đáng là một trong tam đại bảo thành của Nhật Bản, và du khách nên đến đây một lần mỗi khi có cơ hội đến xứ sở Phù Tang.



 

Nguồn tin: Tổng Hợp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Comment Facebook

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn